Tuesday, April 24, 2007

Rong tảo Việt Nam trong sản xuất nhiên liệu sinh học

Trong cuộc chạy đua này hai dòng tảo nước ta được chú ý nhiều nhất là Nannochloris còn gọi là Nannochloropsis sinh sống trong vùng biển mặn và Botryococcus trong môi trường ao hồ nước ngọt, chưa kể nhiều loài khuê tảo và lục tảo khác.

Từ các năm 1980 đã có cuộc “lội ngược dòng” nhằm đưa nhiên liệu sinh học trở về vai trò căn bản sau khi đã đánh mất vào thời phát triển dầu mỏ trong các năm 1920. Châu Âu có tốc độ phát triển biodiesel nhanh nhất với quy trình sản xuất từ hột cải dầu Brassica napus. Tận dụng ưu thế nhiệt đới, vùng Đông Nam Á nhận được nhiều nguồn đầu tư vào nhiên liệu sinh học; trong đó 3 nước Thái Lan, Malaixia và Inđônêxia sử dụng các loại dầu cọ, Philippin cũng như Trung Quốc và Ấn Độ chọn loại dầu của cây đậu cọc rào (còn gọi cây dầu mè) Jatropha curcas. Trái lại, các tập đoàn dầu khí không đầu tư sản xuất biodiesel từ cây trồng trên cạn mà nhắm vào các loài rong tảo, đặc biệt vào nhóm tảo phù du - phytoplankton - vốn có cấu trúc tế bào đơn giản, tốc độ sinh sản cực kỳ nhanh và hàm lượng chất béo lại rất lớn. Người ta gọi phong trào đầu tư này bằng câu nói “từ algae đến oilgae”.

Thực tế khai thác cho thấy mỗi hecta đất trồng cải dầu chỉ sản xuất được 1.100 lít biodiesel, đậu cọc rào được 1.590 lít, dừa được 2.670 lít và cây cọ được 5.980 lít. Rõ ràng không thể dựa vào nhóm cây trồng trên cạn để đạt đến các chỉ tiêu thay thế dầu mỏ, cho dù giá nhiên liệu sinh học hiện nay còn cao, nhu cầu tiêu thụ cũng đã tăng mạnh trong mấy năm gần đây - chủ yếu để pha trộn vào dầu mỏ nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều bang của Mỹ đã có luật quy định pha trộn tối thiểu ở mức 2%, tại 25 nước châu Âu là 5,75% trong năm 2010 và ở Ấn Độ dự kiến thay thế 50% nhiên liệu dầu mỏ vào năm 2030.

Ba kỹ thuật chìa khóa cho công nghệ sản xuất dầu tảo nhằm tăng nhanh sản lượng biodiesel và hạ thấp giá thành sản phẩm đủ sức cạnh tranh với nhiên liệu dầu mỏ là nâng cao hàm lượng chất béo từ 15 - 30% trong điều kiện tự nhiên lên 75 - 85% trọng lượng khô của tảo thông qua hoạt động của enzyme chuyển hóa acetyl - CoA carboxylase, thu hoạch hiệu quả tảo phù du trên các mặt nước bằng bơm hút ly tâm và trích ly hiệu suất cao dầu tảo bằng khí carbonic ở áp suất tới hạn. Hiện nay vùng dự án được chú ý nhất là vịnh Thái Lan và vùng Nam Biển Đông, nơi có nhiệt độ nóng ấm và giàu chất dinh dưỡng.
Theo báo Khoa học Phổ thông, 8/09/2006

Friday, April 20, 2007

Công ty TNHH Minh Tú : Kiên trì chiến lược sản xuất dầu biodiesel

Thành công của Công ty TNHH Minh Tú (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) trong việc nghiên cứu thành công qui trình sản xuất dầu Biodiesel từ mỡ cá tra, cá ba sa vào thời điểm nửa cuối năm 2006 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Công ty TNHH Minh Tú còn cho biết sẽ đưa nhà máy sản xuất dầu Biodiesel vào sản xuất thương mại dịp đầu năm 2007. Thế nhưng quí I-2007 đã trôi qua, vì sao nhà máy sản xuất dầu biodiesel từ mỡ cá tra, cá ba sa - một loại dầu sinh học thân thiện với môi trường - vẫn chưa đi vào hoạt động?
Thách thức
Vừa gặp chúng tôi, anh Trịnh Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tú, thông báo ngay: “Chúng tôi đã phải tạm ngưng hoạt động dây chuyền sản xuất thử nghiệm dầu biodiesel của mình; còn nhà máy mới với công suất thiết kế 50 tấn nguyên liệu/ngày đã lắp đặt dây chuyền thiết bị sản xuất được khoảng 70%”.
Vào ngày 24-3 vừa qua, các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đến Công ty TNHH Minh Tú để trao đổi và tham vấn các vấn đề về tiêu chí chất lượng cho việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của “nhiên liệu gốc để pha trộn diesel sinh học (B100)”. Nghĩa là đến thời điểm hiện nay nước ta vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn chất lượng của loại dầu sinh học này. Do đó, Công ty TNHH Minh Tú chưa được cấp giấy phép sản xuất dầu Biodiesel, chưa đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm, vì thế chưa thể đưa nhà máy đi vào sản xuất thương mại.
Thời gian qua, việc quản lý sản xuất và kinh doanh dầu Biodiesel chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng “mỡ cá... hóa dầu” đã từng xuất hiện và làm hỏng hóc máy móc của nhiều tàu đánh cá ở Cà Mau, Bạc Liêu. Thực tế trên cho thấy dù dầu Biodiesel chưa được phép sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam, nhưng đã mang tiếng xấu do cung cách làm ăn theo kiểu “mỡ cá ... hóa dầu” của một nhóm người nào đó. Theo ông Trịnh Minh Tú, nếu dầu Biodiesel được sản xuất từ mỡ cá tra, cá ba sa theo một qui trình khoa học sẽ cho ra dầu Biodiesel sinh học rất tốt cho môi trường và nhiều loại máy móc. Còn “mỡ cá... hóa dầu” được sản xuất bằng “công nghệ thắng” - thực chất là tận dụng mỡ cá tra, cá ba sa để “chưng cất” cho ra mỡ cá. Sau đó, người ta đem pha trộn loại mỡ cá này vào dầu Diesel khoáng sản (đang được bán tại các trạm xăng dầu); loại dầu Biodiesel pha trộn vô tội vạ này có mùi mỡ cá và không hòa tan hoàn toàn trong dầu, làm hỏng hóc máy móc.
Ngoài những thách thức nêu trên, mỡ cá tra, cá ba sa ở vùng ĐBSCL đang tăng giá đột biến cũng góp phần làm “đau đầu” các cơ sở sản xuất dầu Biodiesel ở ĐBSCL. Những người chuyên mua sỉ phế phẩm của các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu để bán lẻ các phế phẩm này cho biết mỡ cá tra, cá ba sa đang được nhiều nhà máy tìm mua để bổ sung chất béo vào các loại thức ăn chăn nuôi. Do đó, giá bán các loại mỡ cá tra, cá ba sa hiện đã lên đến 8.000 đồng/kg, tăng gần gấp 2 lần so cùng kỳ năm 2006. Ông Trịnh Minh Tú nói: “Với giá nguyên liệu (mỡ cá tra, cá ba sa) như hiện nay, để sản xuất ra một lít dầu Biodiesel chúng tôi phải lỗ trên 2.000 đồng. Với những khó khăn trên, cả 3 cơ sở sản xuất dầu Biodiesel ở ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ, Vĩnh Long và An Giang cũng chỉ dừng lại ở dạng sản xuất thử nghiệm với qui mô nhỏ.
Triển vọng phát triển
Dù nhà máy sản xuất dầu Biodiesel của công ty vẫn chưa xác định được thời gian hoạt động, nhưng ông Trịnh Minh Tú vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của ngành sản xuất dầu Biodiesel mà mình đang đeo đuổi. Ông Tú tin rằng tiêu chuẩn quốc gia của loại dầu Biodiesel sinh học sẽ kịp công bố trong năm 2007 này. Do đó, ông đang tận dụng khoảng thời gian nhà máy sản xuất dầu Biodiesel chưa đi vào hoạt động để nghiên cứu giải pháp buộc 15% phụ phẩm của qui trình sản xuất dầu Biodiesel từ mỡ cá tạo thành các dòng sản phẩm mới, để giảm giá thành sản xuất dầu Biodiesel. Ông là người trực tiếp nghiên cứu, sản xuất và sử dụng dây chuyền thiết bị sản xuất dầu Biodiesel với giá thành thấp nhất. Do đó, các sản phẩm do Công ty TNHH Minh Tú làm ra sẽ có lợi thế cạnh tranh so các sản phẩm cùng loại.
Ngoài những lợi thế ấy, khi nhà máy sản xuất dầu Biodiesel của Công ty TNHH Minh Tú phát huy hiệu quả sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp này bước vào lĩnh vực cung cấp dây chuyền thiết bị và chuyển giao công nghệ chế biến dầu Biodiesel cho các doanh nghiệp khác khi họ có nhu cầu.
Mặc dù đang có nhiều lợi thế để sản xuất-kinh doanh dầu Biodiesel ở thị trường nội địa, nhưng ông Trịnh Minh Tú cũng nhắm đến thị trường quốc tế. Ông cho biết đang nghiên cứu các tiêu chuẩn về loại dầu Biodiesel sinh học của nhiều nước, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tiêu chuẩn của châu Âu để áp dụng vào quá trình sản xuất dầu Biodiesel tại nhà máy của công ty. Ông Tú nói: “Các nước châu Âu luôn khuyến khích sử dụng dầu Biodiesel sinh học để góp phần bảo vệ môi trường. Do đó, nhiều nước châu Âu đang áp dụng chính sách ưu đãi về thuế quan trong việc nhập khẩu dầu Biodiesel sinh học”.
Để thực hiện kế hoạch xuất khẩu dầu Biodiesel vào thị trường châu Âu, thời gian qua Công ty TNHH Minh Tú đã có những cuộc thương thảo với Tập đoàn Ital Lao chuyên về năng lượng sạch của Ý. Ngày 26-2-2007, Tiến sĩ Giorgio Zenucchi, Chủ tịch Tập đoàn Ital Lao, đã có buổi làm việc tại Công ty TNHH Minh Tú. Trong buổi tiếp xúc này, ông Trịnh Minh Tú và đại diện tập đoàn Ital Lao bước đầu đã thống nhất: Ital Lao sẽ xem xét khả năng hợp tác với Công ty TNHH Minh Tú trong việc xây dựng nhà máy sản xuất dầu Biodiesel từ mỡ cá để xuất khẩu sang thị trường Ý. Tập đoàn Ital Lao và Công ty TNHH Minh Tú còn có khả năng hợp tác thực hiện các dự án thu Biogas và xử lý các bãi rác... Để xúc tiến thực hiện các dự án này, tập đoàn Ital Lao cho biết sẵn sàng hỗ trợ về tài chính, công nghệ và ủy nhiệm cho Công ty TNHH Minh Tú làm đại diện trong quan hệ các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Ngoài 2 lĩnh vực nói trên, Công ty TNHH Minh Tú và tập đoàn Ital Lao còn có nhiều triển vọng hợp tác sản xuất dầu Biodiesel sinh học tại Việt Nam. Giữa tập đoàn Ital Lao và Công ty TNHH Minh Tú đã thống nhất sẽ gặp nhau vào đầu tháng 4-2007 để tiếp tục bàn việc hợp tác.
Hy vọng rằng những thiện chí và ước muốn hợp tác giữa Công ty TNHH Minh Tú và tập đoàn Ital Lao sẽ sớm thành hiện thực. Khi ấy, loại dầu Biodiesel sinh học có tác dụng bảo vệ môi trường được sản xuất tại Công ty TNHH Minh Tú sẽ được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Theo báo Cần Thơ

Monday, March 5, 2007

Dầu mỡ cá: mạnh ai nấy làm!

TT - Dầu mỡ cá mấy tháng trước làm điêu đứng những nhà ghe tàu biển ở Cà Mau, Bạc Liêu vì làm hỏng máy. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ.Mỗi năm ĐBSCL làm ra gần 100.000 tấn mỡ cá. Một phần rất nhỏ trong số này được làm thức ăn gia súc, dầu thực phẩm... Số còn lại đi đâu và liệu có tiếp tục gây hại?

Đi đâu, về đâu?

Ở nhiều cơ sở, khi chúng tôi đặt vấn đề mua mỡ cá thì thường nhận được những cái lắc đầu: “Lúc này mỡ hiếm lắm! Làm ra bao nhiêu đều có mối dặn cả rồi. Phải cho giá trước, đặt số lượng trước mới có”. Sức tiêu thụ khá mạnh. Có nhiều doanh nghiệp chuyên đi mua loại mỡ này, ngoài mua ở các phân xưởng phụ phẩm của nhà máy, nhiều nơi người ta còn đặt các đầu mối mua gom ở khắp các cơ sở sản xuất lớn nhỏ, đến tận từng ao nuôi có lò nấu mỡ để mua. Và gần đây mặc dù giá mỡ cao hơn trước trên dưới 2.500 đồng/kg nhưng mỡ vẫn khan hiếm.

Tại những cơ sở sản xuất mỡ cá lớn ở Thốt Nốt (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), hằng ngày đều có nhiều xe tải, xe bồn đến “ăn” mỡ, được bơm từ bồn chứa như bơm xăng dầu. Cánh tài xế chở hàng khá kiệm lời, chỉ cho biết hàng được về TP.HCM hoặc Bình Dương, Đồng Nai. Ngay cả những người bán ở cầu Xép Bà Lý (thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang) cũng chỉ vắn tắt: “Chúng tôi chỉ bán qua trung gian, không biết đưa về đâu”.

Nhiều cơ sở sản xuất mỡ cá cho biết mối các tỉnh miền Bắc, miền Trung thường đặt hàng liên tục với số lượng tính bằng container. Tiếp cận với vài khách hàng vào mua mỡ tại Thốt Nốt (Cần Thơ), chúng tôi biết sau khi đưa lên các cảng TP.HCM, mỡ sẽ được đóng thùng rồi vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Anh Huỳnh Thanh Tâm (TP Long Xuyên) vốn từng nhiều năm mua bán mỡ cá, nói chắc: “Một số mua mỡ để làm dầu chạy máy. Và họ không chỉ đưa về các tỉnh miệt biển ĐBSCL mà còn đưa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước”.

Giới sản xuất, mua bán mỡ cá ở ĐBSCL cũng cho rằng một lượng lớn mỡ cá đã được ra TP.HCM, miền Đông, miền Trung, miền Bắc. Theo họ, hoàn toàn có khả năng mỡ đã tinh luyện được pha vào dầu DO để bán lẻ ở những nơi này. Theo những người này, vụ dầu dỏm bị vỡ lở ở Cà Mau là do người bán không am hiểu đã pha loại mỡ xấu với tỉ lệ 50%. Còn nếu pha mỡ loại đã “luyện” vào dầu DO với tỉ lệ vừa phải thì không thể nào phát hiện, bởi động cơ vẫn chạy tốt và chỉ có động cơ mới biết nó đang “uống” thứ dầu gì... Mỡ đã tinh luyện giá 7.500 đồng/kg, nếu pha vào dầu DO hưởng chênh lệch 1.600 đồng/lít, lợi nhuận khá hấp dẫn!

Mỡ cá... phá biodiesel

Mỡ cá sản xuất như thế này ai kiểm soát được chất lượng? - Ảnh: Đức Vịnh

Trước đây một lượng nhỏ mỡ cá da trơn có dùng để bổ sung chất béo trong thức ăn công nghiệp, còn phần lớn thường thải bỏ gây ô nhiễm môi trường. Từ đó đã có một số người nghiên cứu tìm cách tận dụng nó. Tại An Giang có ông Hồ Xuân Thiên (Công ty Agifish), tại Cần Thơ có ông Trịnh Minh Tú (Công ty TNHH Minh Tú) đã nghiên cứu sản xuất thành công dầu biodiesel từ mỡ cá. Đây là loại nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, không gây độc hại nếu sản xuất đúng tiêu chuẩn.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã sản xuất và pha trộn với dầu DO có nguồn gốc khoáng sản với tỉ lệ 20% để đưa vào sử dụng. Như vậy, nếu làm đúng qui trình thì ngoài giải quyết vấn đề ô nhiễm, việc sản xuất dầu biodiesel không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn làm tăng giá trị con cá da trơn VN.

Tại An Giang, Công ty Agifish đang xây dựng nhà máy chế biến biodiesel công suất 30.000 lít/ngày. Ở Cần Thơ, Công ty TNHH Minh Tú cũng đã đầu tư hơn 12 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất dầu sinh học từ mỡ cá. Tuy nhiên, từ sau những nghiên cứu sản xuất thành công dầu biodiesel thì việc sản xuất mỡ trong dân ào ào nở rộ. Do đó nguồn nguyên liệu khan hiếm, đẩy giá mỡ cá trên thị trường tăng vọt. Ông Trịnh Minh Tú lo lắng: “Lúc đầu chỉ 3.500 - 4.000 đồng/kg, gần đây lên tới 6.000 đồng/kg. Tình hình này khiến dầu sinh học có giá thành sản xuất vượt giá dầu DO, không thể đưa ra thị trường”.

Thêm nữa, việc sản xuất không đăng ký, không kiểm soát chất lượng từ các cơ sở sản xuất mỡ “ba không” không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn gây nên tình trạng lập lờ, lẫn lộn giữa biodiesel thật và giả. Mỡ cá... hóa dầu được tiêu thụ rộng rãi đã làm chết... biodiesel thật. “Với giá mỡ cao và tình trạng sản xuất mỡ, “luyện mỡ” thả nổi tràn lan như thế thì việc sản xuất dầu sinh học có khả năng bị phá sản!”, ông Hồ Xuân Thiên than thở.

ĐBSCL có hơn 50 nhà máy chế biến thủy sản, năm 2006 cho ra khoảng 500.000 tấn phế phẩm. Thứ phế phẩm này một số ít nhà máy vẫn sử dụng để sản xuất mỡ; phần lớn còn lại bán cho tư nhân; chỉ một số ít được dùng làm thức ăn chăn nuôi, còn lại đều được “luyện” mỡ cá. Mỗi năm ĐBSCL làm ra gần 100.000 tấn mỡ cá từ phế phẩm.

Để “luyện mỡ”, người làm thủ công dùng thêm một số phụ gia. Ông Hồ Xuân Thiên, người từng nghiên cứu sản xuất thành công dầu sinh học từ mỡ cá, cho rằng một số người biết được qui trình sản xuất dầu biodiesel: mỡ cá (thành phần chính là triglyceride) tác dụng với mêthanol dưới chất xúc tác là xút (NaOH) sẽ cho ra biodiesel, glycerin.

Tuy nhiên, để thu được sản phẩm có độ đồng nhất không lẫn tạp chất, đạt các chỉ tiêu lý hóa sử dụng cho động cơ, đòi hỏi cần một qui trình sản xuất gồm nhiều công đoạn và các phản ứng tinh luyện với điều kiện phản ứng, xúc tác khá phức tạp. Nếu không đảm bảo được yêu cầu đó, sản phẩm thu được chỉ là các acid béo và glycerin. Như vậy sản phẩm ở các lò “luyện mỡ” chủ yếu là các acid béo. Các acid béo này có màu giống như biodiesel, tan trong dầu DO, nó dùng chạy máy được nhưng gây hư hỏng máy.

-----------

Nguồn:TTO



Wednesday, February 28, 2007

Jatropha ở Việt Nam

Cây giữ xanh cho vùng đất khô cằn

Trong quá trình tìm hiểu những cây có công dụng làm thuốc trị bệnh, TS Lê Võ Định Tường, Phân viện Hóa học và các hợp chất thiên nhiên TP.HCM, đã tình cờ phát hiện cây diesel - loài cây rất thích hợp cho việc cải tạo và phủ xanh những vùng đất hoang hóa. "Cây này có đặc tính chịu hạn rất cao khi trồng trên các vùng đất khô cằn, cây giúp tăng độ ẩm cho môi trường, độ mùn và khả năng dự trữ nước cho đất" - TS Tường cho biết.

Cây diesel thuộc họ thầu dầu, có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ, tên khoa học là Jatropha carcus L. Ở VN, cây diesel có mặt từ rất sớm, mọc nhiều ở những vùng núi, chủ yếu được người dân trồng để làm hàng rào nên còn có tên dân gian là cây cọc rào.

Nguồn:
http://www.binhthuan.gov.vn/news/PagePrint.asp?idnews=224282
-----------------

Trồng cây diesel trên các vùng đất này sẽ có tác dụng chống xói mòn, cát bay, tăng độ ẩm cho môi trường, tăng dự trữ nước, cải tạo cho đất rất tốt, lá cây khô rụng nuôi giun, tăng độ mùn cho đất. TS Lê Võ Định Tường cho biết thêm: “Trước mắt, chúng tôi đã sản xuất thử nghiệm trên diện tích hơn 30 ha cây giống ở Nha Trang và Bình Thuận. Bước đầu, cây đã cho thu hoạch với năng suất đạt 10 tấn giống/ha và tổng lượng giống ở đây sẽ đáp ứng đủ để trồng cho khoảng trên 100.000ha”. Theo tính toán, với năng suất trung bình khoảng 12 tấn/ha, cây dầu diesel có thể cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm.

Nguồn:
http://www.agbiotech.com.vn/vn/?mnu=preview&key=728

------------------
Cây "Diesel" có thể phát triển trên đất Đồng Nai Tại hội thảo công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai vừa qua, TS. Lê Võ Định Tường thuộc Phân viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên Tp. Hồ Chí Minh đã đề cập về một loại cây rất có triển vọng phát triển ở Đồng Nai, đó là cây dầu mè (Jatropha curcas L.) hay còn gọi là cây diesel- một loại cây có nguồn gốc từ Trung Mỹ và đã được trồng và xâm nhập đến miền nhiệt đới và cận nhiệt đới Á - Phi.

Nguồn:
http://www.dongnai.gov.vn/thong_tin_KTXH/Khoa_hoc_cong_nghe/mlnews.2006-10-25.0403019214

---------------------

Anh Trịnh Minh Tú khoe bài toán nguyên liệu đã được anh tìm ra lời giải. Hiện anh đã nghiên cứu trồng thành công một loại cây có khả năng chiết xuất biodiesel từ hạt. Loại cây nhiệt đới mang tên Jatropha xuất xứ từ Malaysia.

“Loại cây này chịu hạn rất tốt, sống được ở những vùng đất cằn nên phù hợp với việc phủ xanh đất trống đồi trọc, như vậy là nhất cử lưỡng tiện rồi”- Anh nói. Hiện tại, cây Jatropha đã trồng thử nghiệm ở Kon Tum và phát triển tốt.
Dự tính, đầu năm 2007, Cty TNHH Minh Tú sẽ phối hợp với nông dân trồng 2.000 ha tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trung bình 1 ha cây Jatropha có thể sản xuất được 3.000 lít trong một năm. Cộng với nguyên liệu từ mỡ cá, mỗi năm, Cty TNHH Minh Tú có thể cho ra hàng chục triệu lít biodiesel đáp ứng cho nhu cầu rộng lớn.

Nguồn:
http://www.nea.gov.vn/nIndex.asp?ID=27442
-----------
HQA


Sunday, February 18, 2007

Tại Bình Định sẽ sản xuất biodiesel từ dừa?

Phía Nhật Bản đang muốn đẩy nhanh việc nghiên cứu khả thi dự án sản xuất biodiesel từ dừa tại Bình Định.

Theo nghiên cứu ban đầu, tại Bình Định sẽ xây dựng 1 nhà máy sản xuất dầu diesel sinh học có công suất 100 tấn/ngày đòi hỏi vùng nguyên liệu lên tới 50.000 ha dừa. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 80 - 100 triệu USD, trong đó, vốn xây dựng nhà máy trên 20 triệu do các doanh nghiệp của Nhật Bản và Bình Định liên doanh thực hiện, còn lại sẽ đầu tư bằng vốn ODA cho người trồng dừa và các cơ sở chế biến dầu dừa thô.

ODA (Official Development Assistance) có nghĩa là hỗ trợ phát triển chính thức, là một kiểu đầu tư nước ngoài dành cho các dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển: http://vi.wikipedia.org/wiki/ODA

Nguồn: http://www.binhdinhinvest.gov.vn/tintuc/2006/27.2.htm (27/2/2006)

Saturday, January 27, 2007

Người “nghiện” chất đốt sinh học

Anh Trịnh Minh Tú có bề ngoài khá lãng tử, luôn kè kè laptop, vùi đầu trên mạng để thỏa mãn “cơn nghiện” Chất đốt sinh học.

Năm 1986, với tấm bằng Trung cấp Kỹ thuật công nghiệp được nhận (trông coi thiết bị) tại một Cty hóa chất. Sau 4 năm ở Cty hóa chất, dành dụm được ít vốn, anh tách ra mở tiệm cơ khí.

“Đây chỉ là dây chuyền thử nghiệm, công suất 300 lít/giờ nên hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu - Anh phấn khởi nói - Sản phẩm biodiesel của tôi đã có mặt tại các tỉnh ĐBSCL, bạn hàng nhiều nơi tìm đến để…chờ mua biodiesel vì sản xuất không kịp”.

Hiện anh đã nghiên cứu trồng thành công một loại cây có khả năng chiết xuất biodiesel từ hạt. Loại cây nhiệt đới mang tên Jatropha xuất xứ từ Malaysia.

“Loại cây này chịu hạn rất tốt, sống được ở những vùng đất cằn nên phù hợp với việc phủ xanh đất trống đồi trọc, như vậy là nhất cử lưỡng tiện rồi”- Anh nói. Hiện tại, cây Jatropha đã trồng thử nghiệm ở Kon Tum và phát triển tốt.
(Tiền Phong, 07/12/2006)
http://www.nea.gov.vn/nIndex.asp?ID=27442
-----
HQA

Sáng kiến của Đức

Phạm Văn Đức trải qua nhiều vất vả thời sinh viên: mỗi ngày cuốc bộ khoảng 12 km và ngủ lơ mơ trên xe buýt để đi học, đi dạy kèm hoặc lang thang ở phố sách cũ đường Láng (Hà Nội). Thế rồi, một lần Đức đột ngột đặt câu hỏi cho chính mình: "Tại sao người ta không chỉ đơn thuần dùng phản ứng hóa học để điều chế BDF mà cần phải có sự trợ giúp của các thiết bị hiện đại để các chất chuyển hóa nhanh hơn?" và anh miệt mài tìm cách tự giải đáp câu hỏi đó.

Cuối cùng, Đức cũng tìm được hỗn hợp chất xúc tác lỏng thỏa yêu cầu chuyển hóa nhanh mà anh "bật mí": "Hỗn hợp này được điều chế từ những hóa chất có "giá bèo" nhưng lại có thể "mời" glyxerin ra khỏi a-xít béo trong dầu thực vật phế thải, kèm theo xà phòng kết tủa để lại lớp BDF quý báu, trong veo lơ lửng bên trên...".

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=178608&ChannelID=7
----
HQA