Công ty TNHH Minh Tú còn cho biết sẽ đưa nhà máy sản xuất dầu Biodiesel vào sản xuất thương mại dịp đầu năm 2007. Thế nhưng quí I-2007 đã trôi qua, vì sao nhà máy sản xuất dầu biodiesel từ mỡ cá tra, cá ba sa - một loại dầu sinh học thân thiện với môi trường - vẫn chưa đi vào hoạt động?
Thách thức
Vừa gặp chúng tôi, anh Trịnh Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tú, thông báo ngay: “Chúng tôi đã phải tạm ngưng hoạt động dây chuyền sản xuất thử nghiệm dầu biodiesel của mình; còn nhà máy mới với công suất thiết kế 50 tấn nguyên liệu/ngày đã lắp đặt dây chuyền thiết bị sản xuất được khoảng 70%”.
Vào ngày 24-3 vừa qua, các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đến Công ty TNHH Minh Tú để trao đổi và tham vấn các vấn đề về tiêu chí chất lượng cho việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của “nhiên liệu gốc để pha trộn diesel sinh học (B100)”. Nghĩa là đến thời điểm hiện nay nước ta vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn chất lượng của loại dầu sinh học này. Do đó, Công ty TNHH Minh Tú chưa được cấp giấy phép sản xuất dầu Biodiesel, chưa đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm, vì thế chưa thể đưa nhà máy đi vào sản xuất thương mại.
Thời gian qua, việc quản lý sản xuất và kinh doanh dầu Biodiesel chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng “mỡ cá... hóa dầu” đã từng xuất hiện và làm hỏng hóc máy móc của nhiều tàu đánh cá ở Cà Mau, Bạc Liêu. Thực tế trên cho thấy dù dầu Biodiesel chưa được phép sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam, nhưng đã mang tiếng xấu do cung cách làm ăn theo kiểu “mỡ cá ... hóa dầu” của một nhóm người nào đó. Theo ông Trịnh Minh Tú, nếu dầu Biodiesel được sản xuất từ mỡ cá tra, cá ba sa theo một qui trình khoa học sẽ cho ra dầu Biodiesel sinh học rất tốt cho môi trường và nhiều loại máy móc. Còn “mỡ cá... hóa dầu” được sản xuất bằng “công nghệ thắng” - thực chất là tận dụng mỡ cá tra, cá ba sa để “chưng cất” cho ra mỡ cá. Sau đó, người ta đem pha trộn loại mỡ cá này vào dầu Diesel khoáng sản (đang được bán tại các trạm xăng dầu); loại dầu Biodiesel pha trộn vô tội vạ này có mùi mỡ cá và không hòa tan hoàn toàn trong dầu, làm hỏng hóc máy móc.
Ngoài những thách thức nêu trên, mỡ cá tra, cá ba sa ở vùng ĐBSCL đang tăng giá đột biến cũng góp phần làm “đau đầu” các cơ sở sản xuất dầu Biodiesel ở ĐBSCL. Những người chuyên mua sỉ phế phẩm của các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu để bán lẻ các phế phẩm này cho biết mỡ cá tra, cá ba sa đang được nhiều nhà máy tìm mua để bổ sung chất béo vào các loại thức ăn chăn nuôi. Do đó, giá bán các loại mỡ cá tra, cá ba sa hiện đã lên đến 8.000 đồng/kg, tăng gần gấp 2 lần so cùng kỳ năm 2006. Ông Trịnh Minh Tú nói: “Với giá nguyên liệu (mỡ cá tra, cá ba sa) như hiện nay, để sản xuất ra một lít dầu Biodiesel chúng tôi phải lỗ trên 2.000 đồng. Với những khó khăn trên, cả 3 cơ sở sản xuất dầu Biodiesel ở ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ, Vĩnh Long và An Giang cũng chỉ dừng lại ở dạng sản xuất thử nghiệm với qui mô nhỏ.
Triển vọng phát triển
Dù nhà máy sản xuất dầu Biodiesel của công ty vẫn chưa xác định được thời gian hoạt động, nhưng ông Trịnh Minh Tú vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của ngành sản xuất dầu Biodiesel mà mình đang đeo đuổi. Ông Tú tin rằng tiêu chuẩn quốc gia của loại dầu Biodiesel sinh học sẽ kịp công bố trong năm 2007 này. Do đó, ông đang tận dụng khoảng thời gian nhà máy sản xuất dầu Biodiesel chưa đi vào hoạt động để nghiên cứu giải pháp buộc 15% phụ phẩm của qui trình sản xuất dầu Biodiesel từ mỡ cá tạo thành các dòng sản phẩm mới, để giảm giá thành sản xuất dầu Biodiesel. Ông là người trực tiếp nghiên cứu, sản xuất và sử dụng dây chuyền thiết bị sản xuất dầu Biodiesel với giá thành thấp nhất. Do đó, các sản phẩm do Công ty TNHH Minh Tú làm ra sẽ có lợi thế cạnh tranh so các sản phẩm cùng loại.
Ngoài những lợi thế ấy, khi nhà máy sản xuất dầu Biodiesel của Công ty TNHH Minh Tú phát huy hiệu quả sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp này bước vào lĩnh vực cung cấp dây chuyền thiết bị và chuyển giao công nghệ chế biến dầu Biodiesel cho các doanh nghiệp khác khi họ có nhu cầu.
Mặc dù đang có nhiều lợi thế để sản xuất-kinh doanh dầu Biodiesel ở thị trường nội địa, nhưng ông Trịnh Minh Tú cũng nhắm đến thị trường quốc tế. Ông cho biết đang nghiên cứu các tiêu chuẩn về loại dầu Biodiesel sinh học của nhiều nước, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tiêu chuẩn của châu Âu để áp dụng vào quá trình sản xuất dầu Biodiesel tại nhà máy của công ty. Ông Tú nói: “Các nước châu Âu luôn khuyến khích sử dụng dầu Biodiesel sinh học để góp phần bảo vệ môi trường. Do đó, nhiều nước châu Âu đang áp dụng chính sách ưu đãi về thuế quan trong việc nhập khẩu dầu Biodiesel sinh học”.
Để thực hiện kế hoạch xuất khẩu dầu Biodiesel vào thị trường châu Âu, thời gian qua Công ty TNHH Minh Tú đã có những cuộc thương thảo với Tập đoàn Ital Lao chuyên về năng lượng sạch của Ý. Ngày 26-2-2007, Tiến sĩ Giorgio Zenucchi, Chủ tịch Tập đoàn Ital Lao, đã có buổi làm việc tại Công ty TNHH Minh Tú. Trong buổi tiếp xúc này, ông Trịnh Minh Tú và đại diện tập đoàn Ital Lao bước đầu đã thống nhất: Ital Lao sẽ xem xét khả năng hợp tác với Công ty TNHH Minh Tú trong việc xây dựng nhà máy sản xuất dầu Biodiesel từ mỡ cá để xuất khẩu sang thị trường Ý. Tập đoàn Ital Lao và Công ty TNHH Minh Tú còn có khả năng hợp tác thực hiện các dự án thu Biogas và xử lý các bãi rác... Để xúc tiến thực hiện các dự án này, tập đoàn Ital Lao cho biết sẵn sàng hỗ trợ về tài chính, công nghệ và ủy nhiệm cho Công ty TNHH Minh Tú làm đại diện trong quan hệ các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Ngoài 2 lĩnh vực nói trên, Công ty TNHH Minh Tú và tập đoàn Ital Lao còn có nhiều triển vọng hợp tác sản xuất dầu Biodiesel sinh học tại Việt Nam. Giữa tập đoàn Ital Lao và Công ty TNHH Minh Tú đã thống nhất sẽ gặp nhau vào đầu tháng 4-2007 để tiếp tục bàn việc hợp tác.
Hy vọng rằng những thiện chí và ước muốn hợp tác giữa Công ty TNHH Minh Tú và tập đoàn Ital Lao sẽ sớm thành hiện thực. Khi ấy, loại dầu Biodiesel sinh học có tác dụng bảo vệ môi trường được sản xuất tại Công ty TNHH Minh Tú sẽ được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Theo báo Cần Thơ
No comments:
Post a Comment